Written by 11:32 Chuyện ngoài phố Views: 36

Tám lạng rưỡi cá rô

Tôi là vợ Mục Sư - 110

Một lần nọ vợ chồng chúng tôi ra chợ mua đồ nấu ăn. Đến hàng cá, tôi hỏi bé gái đang giúp mẹ bán cá: “bao nhiêu một ký cá rô con?” Em trả lời bảy mươi ngàn. Tôi bảo em lấy cho tôi một ký, làm sạch. Thấy khách hàng dễ chịu, mau lẹ, người mẹ đang ở gần đó bỏ việc mình đang làm qua giúp con chọn cá cho tôi. Điều ngạc nhiên đó là bé và chị cân cho tôi chỉ có tám lạng rưỡi, cái thế của cái cân quay mặt một tí ra đường làm cho tôi thấy được chỉ là tám lạng rưỡi. Rất nhanh chóng một người đổ cá vào rổ nhựa, một người cầm kéo bắt đầu làm cá. Tôi ra hiệu ngưng rồi đến trước mặt hai mẹ con chị, rất bình tĩnh, với giọng rõ ràng, chân thành tôi nói:

– Chị ơi, khi em còn nhỏ gia đình em rất khó khăn. Mẹ em đưa em đi buôn bán đầu đường, góc chợ, hầm cầu, bến xe đều có cả. Xuất phát từ kinh nghiệm đó nên bây giờ mỗi lần mua đồ ở chợ hoặc ven đường, em ít khi trả giá, nếu thấy hàng ngon, có khi mắc một chút là em vẫn mua vì em đã kinh nghiệm sự khó nhọc, vất vả của buôn hàng bán chợ. Nhưng Mẹ em không bao giờ dạy em kiếm sống bằng cách gây thiệt hại cho người khác. Sao chị lại dạy con chị như thế? Sau này lớn lên nếu cháu luôn tìm cách gây thiệt hại cho người khác để mình được ích lợi thì chị phải làm sao? Em không mua số cá này nữa. Chị và cháu nên suy nghĩ lại việc mình làm lợi trước mắt nhưng lâu dài con cháu chị sẽ thế nào?

Nói rồi tôi quay đi. Chồng ở xa chờ vợ, thấy vợ đi ra tay không, chồng tôi hỏi sao không mua? Tôi kể lại, chồng chỉ nói: “Gặp đúng mụ Na này nữa thì thôi luôn!” (mụ nghĩa là bà theo kiểu Quảng Trị, nguyên gốc của tôi).

Chạy xe đi ngang qua hàng đó để đến chỗ khác, tôi thấy mẹ con chị ấy vẫn còn rất bẽ bàng, ngỡ ngàng nhìn theo. Tôi không biết điều mình làm có gây được cho họ ấn tượng để thay đổi không vì rất có thể họ là người không biết Chúa Jêsus để có thể ăn năn và nhìn nhận thật về những đúng sai và không biết Kinh Thánh để soi mình trong gương…

Ngày quốc tế thiếu nhi, tôi suy ngẫm về những người cha mẹ và di sản mà họ để lại cho con cái. Tôi cũng suy nghĩ đến những bất lực, bất toàn của người làm cha mẹ, nhất là trong hoàn cảnh khó khăn quá mức khiến họ không thể làm được điều gì hết cho con mình, tôi nhận ra rằng, những lúc như vậy, cha mẹ vẫn có thể làm được một việc đó là LÀM GƯƠNG.

Cảm thấy biết ơn vì tôi có được tấm gương gieo trồng hạt giống phẩm hạnh. Cảm thấy biết ơn vì nếu có hoàn cảnh nào đó khiến tôi không làm được điều mà các con tôi cần, luôn có một điều tôi có thể làm, đó là LÀM GƯƠNG cho con.

Chúng ta có đang làm gương hoặc tập làm gương cho con cái mình sau này qua cách nghĩ, cách làm và cách sống của mình? Dạy điều đúng cho con là một cách làm gương nhưng nếu bạn sai, biết nhận lỗi cũng là làm gương. Dạy con điều cao trọng là làm gương nhưng không nghĩ cao quá về mình cũng là làm gương… Những lúc không thể làm gì với hoàn cảnh mà tôi đang đối diện, tôi ước và quyết rằng mình sẽ làm gương cho con qua việc chọn cầu nguyện và nín chịu, khiêm nhu và học hỏi…

Mỗi ngày 1/6, Cha Thiên Thượng đã dạy tôi nhận ra những giới hạn của bản thân trong vai trò làm cha mẹ. Mỗi ngày 1/6, Cha Thiên Thượng cho tôi hiểu niềm vui của người làm cha mẹ mà có Chúa Jêsus làm tấm gương lớn vĩ đại cho cách hành xử của mình. Khi tôi không biết phải làm gương thế nào, tôi luôn có hình mẫu hoàn hảo của Chúa Jêsus để học tập và sức của Cha Thiên Thượng để nương dựa, để trau mình.

“Vì chúng ta không có một thầy tế lễ thượng phẩm chẳng những có thể cảm thông sự yếu đuối chúng ta, nhưng có một thầy tế lễ bị cám dỗ đủ mọi cách như chúng ta, song chẳng phạm tội. Vậy, chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ân điển, để nhận được sự thương xót và tìm được ân điển giúp đỡ chúng ta kịp thời.” (Hê-bê-rơ 4:15-16)

Visited 36 times, 1 visit(s) today
Close