Written by 06:09 Kịch bản các sự kiện, Suy Gẫm & Bài Giảng Views: 37

Kẻ đánh cắp niềm vui

Tôi là vợ Mục Sư - Post Thumbnail 6

Bạn có biết về chỉ số hành tinh hạnh phúc?
Chỉ số hành tinh hạnh phúc (Happy Planet Index – HPI) là chỉ số do NEF – một tổ chức nghiên cứu kinh tế – xã hội có trụ sở chính tại Vương quốc Anh nghiên cứu, khảo sát và thực hiện. HPI là chỉ số được đo lường bằng mức độ hài lòng cuộc sống với tuổi thọ và môi trường sinh sống. Theo báo cáo này, năm 2018, trong số 178 quốc gia được nghiên cứu, Việt Nam đứng thứ 5 về chỉ số hạnh phúc. Trong quá khứ, vào năm 2012, Việt Nam đã từng được vị trí quốc gia hạnh phúc thứ 2 trên thế giới. Dù chỉ là một khảo sát xã hội nhưng cũng cho thấy Việt Nam nằm trong số các quốc gia hạnh phúc. Việt Nam là một quốc gia hạnh phúc! Cá nhân tôi cảm thấy tự hào và được lên tinh thần khi đọc bài báo này.
Thế nhưng, điều gì đang tồn tại ở một quốc gia hạnh phúc như Việt Nam? Có lẽ có một vài số liệu thống kê khác của năm 2018 mà chúng ta cũng cần biết:
• Tự tử: theo thống kê từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, số người tử vong trong năm, nguyên nhân do tự tử chiếm 33,7%.
• Ly hôn: Tại TP.HCM hiện nay cứ bình quân 3 cặp kết hôn lại có 1 cặp ly hôn. Độ tuổi ly hôn dưới 35 tuổi chiếm tỉ lệ đến 30%.
• Bạo lực gia đình: Bình quân mỗi năm xảy ra 31.500 vụ, dĩ nhiên đó là chưa kể các vụ bạo lực mà nạn nhân vì sỉ diện nên im lặng, không lên tiếng.
• Tệ nạn xã hội: Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, đến cuối năm 2017, cả nước có 222.582 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý.
Rõ ràng đây là những con số biết nói và những con số gây sợ hãi, đặc biệt là đối với những ai có thể trở thành nạn nhân tiếp theo của tình hình trên. Tuy nhiên, không cần phải liên quan đến các vấn nạn trên, sự thiếu vắng niềm vui sống mà mỗi người đang đối diện cũng khiến con người ta sợ hãi – mức độ thấp là cảm giác vô vị, lãnh cảm, không có mục đích, không biết về đâu; mức độ cao là áp lực, căng thẳng, tranh chiến, tổn thương, trầm cảm, mất mát, hận thù, ghen ghét, bất an triền miên…
Hạnh phúc thật và niềm vui thật ư? – Dù cho có bao nhiêu lời trấn an rằng “cứ đơn giản mà vui sống đi, đời có bao lâu đâu mà hững hờ” – thì hạnh phúc vẫn không phải là một thứ cứ muốn là có. Sự giàu có, địa vị xã hội, gia đình khỏe mạnh, công việc ổn định có phải là nguyên nhân đem lại cho ta cuộc sống ý nghĩa thực sự ? Và những điều đó có gì bảo đảm sẽ tồn tại mãi mãi? Dù không phải tất cả mọi người đều muốn thừa nhận thì con người cũng đang bất lực trong việc tự mình tìm kếm cuộc sống hạnh phúc thật sự và trọn vẹn. Vì sao ư? Đã có những kẻ đánh cắp niềm vui trong đời sống chúng ta. Những kẻ cắp đó là ai? Có lẽ câu hỏi này không khó để trả lời vì chúng ta ai cũng đã từng bị những kẻ cắp đó lấy mất đi niềm vui của đời mình.
💰 Chúng ta có thể đặt tên ngay đến kẻ cắp đầu tiên mang tên là TIỀN. Người ta bảo rằng “tiền là một tên nô lệ tốt nhưng nó lại là một ông chủ tồi” – nó tồi bởi vì nó cứ trượt giá trong khi đó mọi thứ xung quanh cứ lên giá, nó tồi bởi vì một khi đã đi thì nó không trở lại, nó tồi bởi vì uy lực của nó cho người ta một sự ảo tưởng rằng “có tiền là có tất cả”, khiến người ta bất chấp để làm mọi việc, đánh đổi mọi thứ để có nó, rồi nhìn lại xung quanh không còn ai, có khi lại đánh mất cả chính mình. Thế nên người ta mới nói “rượu làm con người ta mất trí còn tiền làm con người ta bất chính.” Nó tồi bởi vì nó không biết đã gây ra bao nhiêu lỗi lầm bởi khi đồng tiền lên tiếng thì lương tâm sẽ im lặng. Benjamin Franklin đã nói rằng: “Tiền bạc chưa bao giờ và sẽ không bao giờ khiến con người hạnh phúc, trong bản chất nó không có gì có thể tạo ra hạnh phúc. Một người càng có nó nhiều bao nhiêu càng muốn nó nhiều bấy nhiêu.”
🆙 Kẻ cắp thứ hai đem niềm vui của chúng ta chạy xa đi đâu mất mà tôi có thể kể tên đó là một nhân vật thân thuộc mang tên áp lực. Áp lực đóng vai là một người tốt. Nó thúc đẩy chúng ta phát triển bản thân và khiến cho chúng ta cảm thấy rất tự hào như thể mình là siêu sao khi xoay chuyển áp lực đó thành cánh buồm đón gió cho chiếc thuyền cuộc đời cứ thế mà ra tận khơi xa. Nhưng áp lực không biết đã dồn cho bao nhiêu người trên thế giới này vào chỗ chết vì bế tắc, vì tuyệt vọng, vì không có lối ra. Áp lực cho bằng bạn bằng bè – cho được như người ta. Những câu nói: “Ai cũng hai tay hai chân, mà sao người ta có nhà có cửa, sao mày lại không có?” “Úi, thời này mà còn dùng Iphone 6 plus à?” Hay kể đâu xa, trong chính gia đình thân yêu của mình, áp lực cho bằng anh bằng chị đôi khi cũng không chừa chúng ta – “Trong ba đứa con, mày là đứa mẹ thấy kém cỏi nhất” hoặc “Các em con đều có vợ có chồng sớm, sao con lại kém duyên vậy?” hoặc “Vợ chồng nhà người ta, nhìn mà ham…” Dù bạn là người đang chịu áp lực hay đang đặt áp lực hữu hình và vô hình lên một ai đó thì bạn đều là đối tượng bị áp lực lấy cắp đi niềm vui. Có lẽ dòng trạng thái status này trên mạng xã hội gói gọn sự áp lực dồn nén của một người: “Có những khi muốn khóc thật lớn, bởi vì quá đỗi tủi thân. Có những khi muốn phát điên một lần, bởi vì tâm tình quá đỗi chán nản. Có những khi muốn chửi bới một trận, bởi vì trong lòng không thoải mái. Có những khi chỉ muốn im lặng ngồi một mình, bởi vì tôi thực sự đã quá mệt mỏi rồi.”
💔Rồi kẻ cắp nào nữa? Kẻ cắp thứ ba là những sai lầm không có cơ hội làm lại được, những đổ vỡ không cách gì hàn gắn, những hận thù căm ghét không thể phá vỡ vách ngăn – Cụ thể đó là điều gì? Đó là vợ chồng cải vã, xúc phạm, gây tổn thương cho nhau, đó là cha mẹ hiểu lầm, làm tổn thương con cái. Đó là vợ chồng ly dị, mẹ đi bước nữa con sống trong nơm nớp lo sợ vì bố dượng. Đó là hàng xóm thù hằn không nhìn mặt nhau chỉ vì cái hàng rào bên kia trồng cây phủ qua bên nhà này mà “có ai ở không như đằng ấy mà quét hoài.” Đó còn là công ty mình có một số người nhìn mặt thấy ghét, nghe cái giọng nói thôi đã thấy cả ngày mất vui. Đó là ông bà nội đi coi bói nói hai đứa cháu sắp cưới tuổi không hợp nhau, nên tìm mọi cách ngăn cấm để bảo toàn tính mạng cho đứa cháu đích tôn quý tử; thằng cháu trai không chịu được khi nghe tin như “sét đánh ngang tai” ấy bèn xách xăng qua nhà đốt nhà ông bà nội; kết quả là ông nội bị tử vong, bà nội bị cháy phỏng, để lại nổi đau dằn vặt trong lòng người mẹ nhìn con trong vòng lao lý, người vợ chưa từng được gọi một tiếng mẹ chồng. Bao chuyện rắc rối không lối ra trên cuộc đời này nữa?…À chuyện là có ông bác bên nhà nội có chuyện với ông chú bên nhà ngoại cộng với mợ bên ngoại ngày xưa có người làm sui bên nhà chú nhà nội rồi để lại tiếng xấu cho cháu sau này đi làm dâu… Những sai lầm, những đổ vỡ, những hận thù mà chúng ta dù là thủ phạm hay là nạn nhân cũng đều cướp niềm vui của chúng ta cao chạy xa bay. Ngạn ngữ có câu: “Rất ít người có thể cười hai lần cho cùng một câu chuyện cười. Nhưng đa số mọi người lại khóc rất nhiều lần… cho cùng một nỗi đau!”
Rồi tôi còn có thể kể tên đến những kẻ cắp nào đã lấy đi niềm vui sống của con người chúng ta nữa? Là bệnh tật – quá hiển nhiên. Là xung đột mỗi ngày tại công ty, tại nhà riêng – ôi, xảy ra dài dài. Là “thất bại” –thất bại ư? Chỉ nghĩ đến thôi thì đã thấy nản lòng – giá mà câu nói “vạn sự khởi đầu nan” đừng đem theo một người bạn cùng vần mang tên là: “vạn nan bắt đầu nản” nữa thì tốt biết mấy. Là nghiện ngập – ừm, chẳng cần ma-túy hay xì ke, ngày nay nghiện tình dục, nghiện bóng cười, nghiện quán bar, quán pub, nghiện game online, hay cả nghiện Facebook… cũng đã cướp đi cuộc sống của hàng ngàn người, gây đổ vỡ, đau thương cho hàng trăm gia đình. Và còn nhiều kẻ cắp khác nữa…
Thế nhưng, thực sự tiền có lỗi không? Tiền không có lỗi – lỗi do người sử dụng. Tiền không tồi nhưng chỉ do người muốn dùng tiền để thỏa mãn cái tôi của mình. Tiền không lấy đi hạnh phúc của ai mà là con người tưởng cứ có tiền là có hạnh phúc. Còn áp lực có thực sự có lỗi? Chúng ta không mong ước cuộc đời không nghịch cảnh, vì chúng ta biết “cây sồi trở nên mạnh mẽ trong gió ngược, và kim cương được hình thành dưới áp lực” nhưng lỗi ở lòng người để cho những ham muốn và sự so sánh thành áp lực, hữu hình và vô hình, cột trói chính mình hay người thân yêu của mình. Nguyên cớ sâu xa của tình trạng này không phải là do những kẻ cắp mà là do lòng người. Lòng người đã bị trống vắng niềm vui thật, từ khi tổ phụ của loài người là A-đam và Ê-va, chọn tìm kiếm hạnh phúc theo cách riêng của mình, mà không theo cách Đức Chúa Trời đã định. Họ đã phá vỡ mối liên hệ của chính mình và Đức Chúa Trời để nên tấm lòng luôn trống vắng, khắc khoải, thiếu vắng niềm vui và mặc cho bao nhiêu nỗ lực cá nhân, con người sẽ không bao giờ kinh nghiệm được hạnh phúc thật như mong đợi. Nếu bạn muốn chiến đấu một trận “sống còn” quyết liệt với những kẻ thù đánh cắp niềm vui của mình, đừng tìm chúng, hãy tìm đến với nơi đầu tiên, nguồn cội của sự việc dẫn đến sự thiếu vắng niềm vui, thỏa lòng và an yên này.
Đó cũng là nơi lời hứa về Đấng sẽ đến, chết đền tội và chuộc con người về lại với niềm hạnh phúc đích thực. Niềm hạnh phúc đó cũng dành cho bạn hôm nay!
(số liệu đầu bài lấy từ trang www.hpi.org)
(viết cho phần diễn văn Giáng Sinh P1, năm 2019)

Visited 37 times, 1 visit(s) today
Close