“Đức Chúa Giê-xu bảo Phi-e-rơ: “Hãy nạp gươm của con vào vỏ! Chén mà Cha đã ban cho Ta, Ta lại không uống sao?”” (Giăng 18:11)
Chúa Giê-xu thuận phục chịu bắt, khởi đầu của sự thương khó: sau đó Ngài bị giải đi, bị đánh đập, bị xét xử, bị phán quyết và cuối cùng bị đóng đinh trên thập tự giá. Đấng quyền năng chịu khổ là sự thật độc đáo phân biệt Cơ Đốc giáo với những tôn giáo khác. Ý niệm về Đấng Tối Cao chịu thương khó dường như là một điều không thể chấp nhận được với con người, nhưng điều nghịch lý này lại chính là sự mầu nhiệm và khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu bị bắt, nhưng đúng hơn là Ngài đã phó chính mình để chịu trói và bị bắt, “như chiên con bị đem đi làm thịt, như chiên câm lặng trước mặt kẻ hớt lông” (Ê-sai 53:7b). Ngài đã vì chúng ta trở nên yếu đuối, trở nên bất lực trước sự gian ác và vô đạo của những người cầm quyền. Ngài đã phó mình để trở nên chiên con chịu đổ huyết thay cho chúng ta. Đấng Christ chịu thương khó bị xem như vô lý và trái ngược lại là nguồn ơn cứu rỗi và điều mầu nhiệm của Đức Chúa Trời để cứu con người, cứu mỗi chúng ta. Và không những vậy, bởi sự thương khó, Chúa Giê-xu có thể cảm thông với mọi sự yếu đuối của con người có thể đối diện. Ngài cảm thông, chia sẻ vì Ngài đã từng ở đó. Ngài là Cứu Chúa không chỉ xuất hiện đầy uy nghiêm và vinh quang hạ giáng xuống cứu giúp con người như hình dung phổ quát về một vị thần cứu độ đầy xa cách. Ngài đến thật gần, đã trải qua, hiểu hết, vì thế Ngài có tình yêu của sự cảm thông và có quyền năng của sự giải cứu cho những ai “vững lòng đến gần Ngôi Ân Điển” tìm kiếm Ngài. Amen!
Lạy Chúa Giê-xu Đấng đã chịu thương khó, Ngài hiểu hết mọi điều gian khó chúng con đang đối diện và Ngài có quyền để cứu giúp chúng con. Cảm ơn Chúa Jêsus vì những gì Ngài đã làm, vì chính Ngài đã phó mình vì chúng con. Con tin cậy và biết ơn Ngài.