Những ngày Covid bùng nổ trở lại xuất phát từ một Hội Thánh Tin Lành, người ở TP.HCM sống trong những ngày khác lạ, khung cảnh thành phố yên ắng nhưng không yên bình.
Trong một góc bình yên của căn hộ, con trai tôi hỏi: “Me, cảnh sống bây giờ cứ như là ngoài kia có chiến tranh ấy Me nhỉ? Phim phóng sự chiến tranh thường kể về các gia đình ẩn mình sau những cánh cửa đóng kín, then cài chặt, để tìm được sự an toàn.” Cậu bé 12 tuổi liên hệ cũng khá đấy.
Cũng cùng ngày con nói điều ấy, tôi có một cuộc gọi của một người bạn, người Mỹ. Nhân lúc tôi đang lỡ việc nên chuyển máy qua bảo con thăm hỏi cô vài phút giúp Me. Loáng thoáng nghe câu chuyện của con: “You know, Cô biết không? Hiện nay ở nước cô và nước con có một sự nghịch lý đối lập đang diễn ra: Ở nước cô thì người ta mang danh Cơ Đốc nhân nhưng chưa chắc đã là Cơ Đốc nhân. Còn ở nước con nay đã có Cơ Đốc nhân muốn giấu mình là người Cơ Đốc rồi đó cô, do vụ việc xảy ra vì một Hội Thánh bạn, bị Covid, ảnh hưởng đến cộng đồng. Nhưng Mục sư của con giảng là nếu mình xem Chúa là quý hơn tất cả thì không có điều gì xảy ra khiến chúng ta phải tạm giấu danh tánh một thời gian cả. Thậm chí người xưa có khi bị bức chết vì là người tin Chúa, người ta vẫn không chối bỏ mình là người theo Chúa nữa là!” Nghe giật cả mình. Ở đâu ra mà tuôn một lèo triết lý Cơ Đốc khiến Me phải há hốc học hỏi như vậy chứ, cậu bé.
Tạm giấu danh tánh – cụm từ này lúc này trở nên đáng suy nghĩ chi lạ! 👍
Trước đây việc làm này có thể xảy ra, trong khuôn khổ một số ít người Tin Lành với thông tin trên CMND hay sơ yếu lý lịch, hoặc hồ sơ xin việc, hay trong một buổi hội họp trên bàn đầy bia rượu… một số ít rất ít thôi. Ngày nay, nếu nó phải xuất hiện trong giai đoạn của chúng ta thì lịch sử sẽ ghi lại cụm từ này được xảy ra trong một cơn khủng hoảng tứ phía của một sự cố không ai muốn, rất xa lạ với chúng ta. Cho nên, tôi thức dậy, viết lại câu chuyện của con, và để lòng mình suy ngẫm về những hoàn cảnh tương tự đã từng xảy ra như thế trong Kinh Thánh, chợt nhận ra rằng điều này không mới hay xa lạ gì với lịch sử của dân Chúa.
Thánh Kinh đã ghi lại nhiều thời điểm phù hợp hơn để tạm giấu danh tánh nhưng những người chọn phô bày ra danh tánh mình là người theo Chúa sau đó đều là người được dự phần vào kế hoạch vĩ đại của Chúa, là người thay đổi thành phố, thay đổi cộng đồng.
Chúng ta có thể bắt đầu từ Môi-se. Môi-se có thể chọn tạm giấu danh tánh để giữ cương vị hoàng tử Ai Cập, xá gì thân phận làm con người nô lệ thấp hèn để phải chịu tủi nhục và yếu thế? Nhưng ông không làm vậy (Xuất Ai Cập 2)! Môi-se đã ra mặt bênh vực cho đồng bào mình, và 40 năm sau, ông đã dẫn đồng bào của ông ra khỏi Ai Cập, đã chấm dứt thời kỳ nô lệ đầy tủi nhục của dân sự. Môi-se già và chết trong sự tôn trọng, yêu quý, và khóc than suốt 30 ngày của dân sự, được tưởng nhớ với tên gọi “đầy tớ của Đức Giê-hô-va.”
Đa-ni-ên và nhóm bạn ba người bạn trong độ tuổi thiếu niên mà người đời vẫn định nghĩa là “ăn chưa no, lo chưa tới”, có thể chọn tạm giấu danh tánh để giữ được mạng sống dưới sự lèo lái của một quyền lực không kính sợ Đức Chúa Trời thời bấy giờ. Họ có thể lấy lý do rằng mình non trẻ, là số ít người theo Chúa, để cứ trộn lẫn vào với những đúng những sai, những trắng những đen, tạm giấu danh tánh mình là người của Đức Chúa Trời, tạm giấu luôn cách sống của người theo Ngài cho đến lúc “tai qua nạn khỏi”. Nhưng các bạn trẻ này thấy không phù hợp để giấu thân phận! Họ đã không ẩn mặt, nhưng thẳng mặt thừa nhận mình là người theo Chúa. Và cứ như thế, họ làm quan, mà còn là quan lớn suốt mấy đời vua. Khi cuộc chiến cuộc đời mình chấm dứt, họ giữ được danh hiệu là “đầy tớ của Đức Chúa Trời chí cao” (Đa-ni-ên 3:26).
Còn các sứ đồ, hãy nhớ lại thời điểm Chúa Giê-xu thăng thiên, họ bị để lại giữa một khung cảnh hỗn độn, đầy đối nghịch, cấm đoán, chống phá, triệt hạ, và giết chết nếu xưng nhận là người “cùng một hội với ông ấy” – Còn khung cảnh nào đáng hơn để tạm giấu danh tánh? Nhưng ngược lại, chính quyền lúc ấy nói rằng: Các anh đã làm cho thành phố này tràn ngập đạo lý của mình! (Công Vụ 5:28 – BHĐ) – Danh hiệu của họ được viết trên mười hai tảng đá trên nền của tường thành nơi Chiên Con ngự – nơi phản chiếu vinh quang Đức Chúa Trời, sáng chói như kim cương, như ngọc thạch anh, trong vắt như pha lê. (Khải Huyền 21:12-14)
Phao-lô là người có nhiều “dịp tiện” để từ chối thập tự giá của Đấng Christ – là điều mà những người tri thức Hy Lạp thời đó xem là ngu dại. Với một người vì Tin lành của Chúa Giê-xu mà phải “nguy hiểm trên sông bến, nguy với trộm cướp, nguy với dân mình, nguy với dân ngoại, nguy trong thành phố, nguy ngoài hoang mạc, nguy trên biển cả, nguy với những kẻ giả danh anh em…” thì có gì để giữ ông lại khi ông được đối mặt với những người có quyền tha bổng mạng sống của ông? Chỉ cần ông khước từ điều mình đã tin và đã dạy, quay lưng lại với anh em mình. Nhưng có một vị vua đầy quyền lực, sau cuộc trò chuyện đối mặt với Phao-lô đã kết luận một câu không thể ấn tượng hơn. Vua ấy nói: “Thiếu chút nữa ngươi khuyên ta trở nên tín đồ Đấng Christ!” (Công Vụ 26:28 – BTT) (I Cô-rinh-tô 11:24-27).
Tôi lại nghĩ đến Hoàng hậu Ê-xơ-tê và Mạc-đô-chê để tìm lý do chính đáng cho sự im lặng, tạm giấu thân phận đi, biết đâu đó đây cũng là điều cần thiết. Nhưng rất nhanh thôi, tôi bị kéo đến khung cảnh cấp thiết trong cuộc đời bà: Mạc-đô-chê, cha nuôi, người lãnh đạo dân Do Thái sót lại lúc đó bị kết tội làm sai quy định của vua. Sự việc ấy đẩy dân sự Chúa bị đánh đồng, bị truy bắt, bị nguy hại, thậm chí đã đến gần hoạ diệt vong, chính lúc đó, câu nói của Mạc-đô-chê đã soi lối: “Vì cớ thời điểm này mà con được ngôi hoàng hậu.” (Ê-xơ-tê 4:14) – Vì cớ thời điểm này…! Thời điểm đến rồi để lộ diện mình là dân của Chúa và dân sự của mình đang cần sức mạnh. Tên Ê-xơ-tê chắc chắn được đưa lên banner trong buổi tiệc Phu-rim, buổi tiệc đánh dấu và ghi nhớ sự kiện người Do Thái được giải cứu… ngày nỗi đau đớn biến thành niềm vui mừng, ngày buồn thảm hóa ra ngày yến tiệc… (Ê-xơ-tê 8-9)
Bạn và tôi được sinh ra và được chọn vào nhà Chúa vì cớ thời điểm này, vì cớ nay là thời thuận tiện, là kỳ thích hợp để đứng về phía anh em mình, cũng là đứng về phía Thân Thể Chúa – là cộng đồng mà Chúa Giê-xu dạy “mạnh cùng vui – yếu cùng buồn” (I Cô-rinh-tô 12:26).
Trong những giai đoạn cuộc đời như cuộc chiến, sự nghịch lý vẫn diễn ra khắp nơi, nhưng bạn ơi, chúng ta từ chối điều vô lý, chúng ta không bằng lòng ở một vài điều hợp lý hay có lý, chúng ta chọn đứng về phía Chân Lý (Giăng 14:6).
Tất cả đang được bày ra như một phép thử, một bài kiểm tra. Bạn sẽ vượt qua bài kiểm tra này chứ?
Tạm giấu danh tính
Visited 11 times, 1 visit(s) today