Written by 19:18 Làm cha làm mẹ Views: 69

7 từ đẹp đẽ và tin kính khi nuôi dạy con cái lớn lên trong Chúa

Tôi là vợ Mục Sư - Post Thumbnail

1- Yêu thươngTình yêu thương trong việc nuôi dưỡng con cái là bày tỏ ra bằng cả nói nói và việc làm thể hiện tình cảm sâu sắc, chân thật và có chủ đích cho con. Người làm cha mẹ thể hiện tình yêu thương của mình qua việc chăm sóc, quan tâm, giúp đỡ con; trò chuyện với con, nói yêu con và tiếp xúc đụng chạm với con trong những phạm vi phù hợp và trìu mến. Việc thể hiện tình yêu qua hành động và đặt yêu thương làm thứ tự ưu tiên sẽ giúp trẻ em hiểu được chiều sâu và tầm quan trọng của nó. Đó không phải là cảm xúc trong một số khoảnh khắc mà phải là  sự phản ánh tình yêu liên tục và nhất quán như cách mà Chúa dành cho chúng ta.
2- Tôn trọng: Tôn trọng là từ ngữ thường bị hiểu sai trong văn hoá của Á Đông hoặc người Việt Nam. Tôn trọng con dựa trên nền tảng của Kinh Thánh, là khi cha mẹ nhận ra rằng con được tạo dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời. Vì chính Chúa đã nắn nên con và có chương trình kỳ diệu cho cuộc đời của con. Ngài chọn ba mẹ để cho con được sinh ra trong thế giới này, nhưng trước khi làm con của ba mẹ, con là con của Đấng Tạo Hoá. Hiểu về điều này sẽ khiến ba mẹ không coi thường, không xem nhẹ, và không làm tổn thương tinh thần con cái.
3-Đức tin: Lời Chúa dạy: “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, để khi trở về già, nó cũng không lìa khỏi đó.” (Châm Ngôn 22:6) và cũng dạy “Hãy ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái anh em, và phải nhắc đến khi anh em ngồi trong nhà cũng như lúc ra ngoài đường, khi anh em đi ngủ cũng như lúc thức dậy.” (Phục Truyền 4:7) – Đời sống đức tin phải được dạy dỗ ngay từ thuở còn ấu thơ. Dù mỗi gia đình sẽ có một mức độ thuộc linh và văn hoá Cơ Đốc khác nhau nhưng dạy dỗ và thực hành thuộc linh là trách nhiệm và là việc làm có chủ đích của cha mẹ. Có lẽ đó cũng là những việc chúng ta đang làm: đọc Kinh Thánh hàng ngày, lễ bái gia đình, cầu nguyện cùng nhau, cùng thờ phượng, cùng nhóm lại với Hội Thánh địa phương. Đức tin giúp hình thành lối sống cũng như có những quyết định đúng trên con đường tương lai của một đứa trẻ khi hành động tin kính theo lời Chúa.
4- Lòng biết ơn: Ba mẹ có để ý rằng “cám ơn” là một trong những lời dạy chung và đầu nhất của tất cả những đứa trẻ trên thế giới. Có lúc nào chúng ta hỏi vì sao? Có lẽ đứa trẻ nào cũng được sinh ra với bản năng khóc ré, để đòi hỏi đáp ứng nhu cầu nhưng con không được sinh ra với bản năng biết ơn. Con đã nhận tất cả mọi điều từ trong lòng mẹ đến lúc ra đời và sau đó một thời gian, nhưng đến một lúc ba mẹ bắt đầu thấy cần dạy con về lòng biết ơn. Một đứa trẻ không biết ơn sẽ luôn đòi hỏi, một đứa trẻ không biết ơn sẽ chỉ biết yêu bản thân, một đứa trẻ không biết ơn sẽ lầm tưởng rằng mình là trung tâm của tất cả. Cha mẹ Cơ Đốc không muốn nuôi con mình lớn thành những đứa trẻ như thế. Nhưng cách dạy lòng biết ơn không chỉ là lời “cám ơn cô”, “cám ơn chú” bập bẹ mà là cách sống ăn sâu vào trong tấm lòng và tâm trí con. Ba mẹ ơi, hãy là những người biết ơn nhiều nhất, hãy thuật lại ơn Chúa dành cho gia đình mình, hãy cám ơn nhau, và có thể hãy làm một cuốn sổ ghi lời tạ ơn để đếm ơn Chúa làm mỗi ngày.
5-Ranh giới: Thiết lập ranh giới là cách bảo vệ thể chất, tinh thần và xây dựng đời sống con khỏi bị ảnh hưởng bởi những điều tiêu cực. Điều này bao gồm việc xác định rõ ràng những giới hạn và nguyên tắc mà cha mẹ bây giờ và con cái sau này cần tuân thủ để duy trì phẩm hạnh và giá trị của người theo Chúa và gia đình có Chúa. Cha mẹ ngày nay cần có rất nhiều ranh giới liên quan đến giới hạn ba mẹ sử dụng điện thoại, chương trình truyền hình nên coi, từ ngữ ba mẹ dùng khi êm đềm lúc tranh cãi, hoạt động tiệc tùng ba mẹ tham gia, thời gian ba mẹ dành cho nhau và cho con… Khi đã làm cha mẹ, hãy vạch ra những ranh giới và giúp nhau đừng vượt qua những ranh giới đó. Trong số các ranh giới nên đặt ranh giới về sửa phạt con ở mức nào là phù hợp bày tỏ sự tin kính- có yêu thương nhưng cũng có tính kỷ luật- để khi nóng giận bao nhiêu cũng đừng vượt qua ranh giới đó. Cũng hãy đặt ranh giới nhất quán cho cả ba và mẹ – khớp nhau, nhiều nhất có thể tránh ba nói một đường một nói một nẻo. Hãy thống nhất ranh giới với nhau.
6- Thích nghi: Khi ba mẹ chuẩn bị sinh con, việc thích nghi là rất quan trọng để tạo ra một môi trường thuận lợi cho cả gia đình. Với những đứa con đầu lòng, thì ngày đầu tiên con ra đời,  đó cũng là ngày đầu tiên ba mẹ được làm ba làm mẹ thực thụ. Nên, hãy sẵn sàng cho việc thích nghi. Giấc ngủ của ba mẹ sẽ khác, thức ăn của ba mẹ cũng khác, áo quần của ba mẹ cũng khác, bận tâm của ba mẹ cũng khác, nội dung cuộc trò chuyện của ba mẹ cũng khác. Nếu có đứa con thứ hai hoặc thứ ba, thì thích nghi vẫn là một từ khóa quan trọng vì ba mẹ vẫn tiếp tục cần thay đổi đổi thích nghi với việc gia đình có thêm người và câu chuyện sẽ khác đi, bận tâm khác đi, giấc ngủ cũng khác đi… Trong những kỳ và những mùa khác nhau trong vai trò làm cha làm mẹ, vì được Chúa ban cho cơ nghiệp nên ba mẹ ơi, hãy cùng nhau thấu hiểu và chuẩn bị cho điều này!  Hãy thích nghi với thái độ sẵn sàng, mềm mại, nâng đỡ và đầy lòng nhân từ… Cũng hãy tin cậy Chúa rằng “Ngài ban cho thêm ơn khi giao phó thêm trọng trách.
7- Ân điển: Ân điển là sự ban tặng mà người nhận hoàn toàn không xứng đáng và ân điển lớn nhất đã đổ xuống nơi ở của ba mẹ và con đó là từ Chúa với ân điển rời rộng của Ngài. Ba mẹ và con đều là người nhận từ suối nguồn ân điển của Chúa nên hãy sống với nhau bằng ân điển. Ai rồi cũng có lúc không đúng: có lúc là ba sai, cũng có lúc sẽ là mẹ sai, rồi có lúc vì con mà ba mẹ đều sai, cãi nhau vì cách chăm con chẳng hạn. Hãy tha thứ và giúp nhau trở nên tốt hơn. Ba mẹ hãy bao dung với nhau hơn khi con ra đời, ba mẹ tập sống bớt đòi hỏi để ngôi nhà nhỏ có tiếng của hạnh phúc to vang lên chứ không phải tiếng la nhau. Khi ba mẹ thể hiện lòng tha thứ cho nhau, ba mẹ cũng đang chuẩn bị mình cho một hành trình rất dài, tha thứ cho con dài dài. Vì tất cả chúng ta đều là những con người không hoàn hảo. Con sẽ được lớn lên không phải chỉ với lời dạy cám ơn mà còn lời dạy xin lỗi. Con sẽ được lớn lên bằng những ranh giới kỷ luật nhưng cũng cảm nhận được lòng nhân từ vô bờ bến.

Visited 69 times, 1 visit(s) today
Close